Khi nói đến Vitamin K, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến chức năng trong quá trình đông máu. Tuy nhiên, ngoài vai trò trên thì còn có những lợi ích của Vitamin K nào đối với cơ thể nữa hay không? Mời độc giả cùng đi tìm lời giải qua bài viết dưới đây nhé.
|
Những thực phẩm giàu vitamin K
|
Vitamin K là gì?
Cũng giống như các hợp chất khác, Vitamin K là nguồn dưỡng chất quan trọng đối với cơ thể người. Đây là một hợp chất tan trong dầu, tham gia vào các quá trình chuyển hóa khoáng chất cho xương, duy trì chức năng não bộ và có ý nghĩa đối với quá trình đông máu.
Phân loại
Hiện nay, Vitamin K được phân thành 2 dạng phổ biến bao gồm:
Dạng tự nhiên có 2 loại là Vitamin K1 (Phylloquinone) tìm thấy trong thức ăn và Vitamin K2 (Menaquinone) được tạo ra bởi hệ vi sinh vật trong đường ruột. Dạng này không gây ra độc tính đối với cơ thể.
Dạng tổng hợp có 3 loại là Vitamin K3, K4, K5. Vitamin K3 đã được xác định có biểu hiện gây độc trong nhiều trường hợp.
Vitamin K1 là chất đóng vai trò hoạt hóa các yếu tố đông máu ở gan. Con người có thể bổ sung hợp chất này cho cơ thể thông qua các loại rau xanh, dầu thực vật, trái cây, như kiwi, nho, bơ,...
Vitamin K2 đóng vai trò quan trọng giúp xây dựng xương và tham gia quá trình đông máu. Vitamin K2 có nhiều trong đậu nành, thịt, trứng, sữa, phô mai.
Vai trò của Vitamin K
Công dụng của Vitamin K đối với quá trình đông máu
Nhiều người còn gọi loại vitamin này là “vitamin đông máu” vì chúng kích thích Protein để hình thành các cục máu đông. Do vậy mà đây chính là “băng cứu thương” không thể thiếu đối với bất kỳ cơ thể nào. Hiện tượng tự đông máu là một trong những phản ứng tích cực có lợi cho cơ thể khi gặp chấn thương. Đây là một trong những chuỗi phản ứng sinh hóa kết hợp cùng với các yếu tố đông máu để giúp cơ thể cầm máu kịp thời.
Tuy nhiên, nếu thiếu “vitamin đông máu” thì các yếu tố này sẽ không được hoạt hóa. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng máu chảy liên tục và đôi khi gây nguy hiểm đến tính mạng vì xuất huyết quá nhiều.
|
Vitamin K có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu |
Lợi ích của Vitamin K đối với hệ xương khớp
Ngoài công dụng của Vitamin K trong quá trình đông máu thì hợp chất này còn có khả năng tăng cường các loại Protein để duy trì sự ổn định nồng độ Canxi trong xương. Nhờ đó mà loại vitamin này còn có công dụng ngăn ngừa quá trình thoái hóa và hạn chế nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
Một nghiên cứu đã phát hiện ý nghĩa của Vitamin K đối với việc ngăn chặn sự mất xương ở nhiều bệnh nhân. Vitamin K2 là yếu tố giữ vai trò kích hoạt Osteocalcin để lấy Canxi trong máu liên kết với các cấu trúc ở xương. Nhờ đó mà đảm bảo một hệ xương khớp khỏe mạnh, chắc chắn, ít xảy ra tình trạng bệnh lý hay chấn thương.
Đối với những người có nguy cơ loãng xương cao như phụ nữ mãn kinh thì cần lưu ý đến chế độ bổ sung các loại vitamin cho cơ thể. Đặc biệt, việc bổ sung Vitamin K thông qua thực phẩm hoặc sữa giúp cải thiện sức khỏe hệ xương và giảm nguy cơ bị gãy xương.
|
Vitamin K2 là yếu tố giữ vai trò kích hoạt Osteocalcin để lấy Canxi trong máu vào xương |
Tăng cường sức khỏe hệ tim mạch
Trong số các loại vitamin tan trong dầu thì đây có thể nói là hợp chất cực kỳ tốt đối với sức khỏe hệ tim mạch. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng loại vitamin này có khả năng ngăn ngừa quá trình xơ vữa động mạch. Hợp chất này sẽ thực hiện chức năng mang Canxi ra khỏi mạch máu, do đó mà chúng không có cơ hội để hình thành các mảng bám. Hiện tượng tắc nghẽn mạch máu được hạn chế ở mức tối đa.
Vitamin K2 là hợp chất giữ vai trò chủ chốt đối với các trường hợp này. Hệ vi khuẩn có lợi bên trong đường ruột sẽ sản xuất ra Vitamin K2, tối ưu hóa việc sử dụng Canxi trong máu, ngăn ngừa hiệu quả các yếu tố tác động có thể gây hại đến sức khỏe hệ tim mạch. Chính vì vậy mà hạn chế được nguy cơ gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay bệnh lý tim mạch khác.
|
Vitamin K giúp tăng cường sức khỏe hệ tim mạch |
Chống ung thư
Vitamin K còn được biết đến với vai trò là chất tự nhiên chống lại các tế bào ung thư hiệu quả. Việc bổ sung vitamin này thường xuyên và đầy đủ có thể giảm thiểu được nguy cơ mắc các bệnh ung thư như đại trạng, dạ dày, tuyến tiền liệt, vòng họng,...
Điều này cũng đã được chứng minh trên nghiên cứu ở bệnh nhân ung thư gan. Việc sử dụng Vitamin K liều cao cho kết quả tích cực đối với vấn đề cải thiện sức khỏe và ổn định các chức năng cho nhiều bệnh nhân. Điều này được giải thích là do Vitamin K2 có thể đàn áp được sự xâm lấn của các tế bào ung thư, làm thay đổi yếu tố tăng trưởng và đóng băng các chu kỳ phân chia.
Ngoài những lợi ích nói trên thì loại vitamin này có công dụng đối với việc duy trì chức năng não bộ, chăm sóc da và sức khỏe răng miệng.
Cách sử dụng Vitamin K
Cách tốt nhất để hạn chế tình trạng thiếu hụt cũng như cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể là sử dụng các loại thực phẩm có chứa hàm lượng Vitamin K1 và K2 cao. Đối với dạng Vitamin K3 tổng hợp thì không khuyến cáo bổ sung vì nếu không cẩn thận đôi khi sẽ có thể gây hại đến sức khỏe.
Bạn có thể bổ sung hợp chất này qua các loại rau, củ, quả. Đặc biệt tăng cường các loại thực phẩm có lợi trong việc cải thiện quá trình hấp thụ và tiêu hóa chẳng hạn phomai, sữa chua,... Ngoài ra, lòng đỏ trứng, cá tự đánh bắt trong tự nhiên, các loại thịt, đậu nành,... đều có thể bổ sung trong khẩu phần hàng ngày để cung cấp Vitamin K2.
Nếu bạn đang trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hoặc cơ thể không có khả năng hấp thụ được đầy đủ Vitamin K thì hãy cân nhắc việc cung cấp thông qua thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất cứ loại sản phẩm nào cũng nên có sự tư vấn và hướng dẫn của chuyên gia.
Theo Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
0 Nhận xét