Buồn nôn, nôn ói, không ăn uống được gì… là những triệu chứng thường gặp của ốm nghén khi mang thai khiến hầu hết thai phụ đều khổ sở. Vậy thực chất nghén là gì? Nguyên nhân xuất phát từ đâu và làm thế nào để giảm tình trạng này?
ốm nghén khi mang thai khiến hầu hết thai phụ, cách phòng tránh là gì?
1. Ốm nghén là gì?
Ốm nghén hay nghén bầu là một trong những hiện tượng thường gặp ở phụ nữ mang thai giai đoạn 3 tháng đầu, đi kèm là các triệu chứng khó chịu, đầy hơi, buồn nôn, nôn, mất ngủ… có thể xảy ra ở bất cứ thời gian nào trong ngày. Thời điểm xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn ở mỗi thai phụ sẽ khác nhau.
Thống kê cho thấy, khoảng 70% trường hợp xuất hiện triệu chứng buồn nôn ở tuần thứ 4 đến tuần thứ 12 của thai kỳ, 10% trường hợp xuất hiện triệu chứng đến tuần thứ 16, thậm chí kéo dài đến suốt thai kỳ. Ở những thai phụ có cơ địa nhạy cảm, tình trạng buồn nôn, nôn có thể xảy ra nghiêm trọng hơn và khó kiểm soát.
Tình trạng ốm nghén thường gặp ở thai phụ vào 3 tháng đầu thai kỳ
Dựa vào mức độ của các triệu chứng gặp phải mà nghén được chia thành hai loại:
Cơn nghén thông thường: Khoảng 80% thai phụ bị nghén ở dạng này. Trong thai kỳ, thai phụ luôn thấy mệt mỏi do nôn ói. Tuy nhiên, tình trạng nôn ói chỉ diễn ra ở mức độ vừa phải, vẫn còn giữ thức ăn bên trong dạ dày. Do đó, thai phụ không sút cân, toàn thân ít thay đổi. Sau khoảng 12 tuần sẽ thấy triệu chứng nôn ói giảm dần.
Tình trạng ốm nghén thường gặp ở thai phụ vào 3 tháng đầu thai kỳ
Cơn nghén nặng: Khoảng 1 – 1,5% thai phụ bị nghén nặng. Thai phụ thường xuyên nôn ói với mức độ trầm trọng khiến thức ăn bị tống ra hết bên ngoài, nôn liên tục, ăn gì cũng nôn, kết hợp với tình trạng chán ăn do ốm nghén khi mang thai khiến thai phụ sút cân. Điều đó dẫn đến thai phụ dễ bị suy nhược, hay mệt mỏi, chóng mặt. Tình trạng này kéo dài sẽ gây mất nước, rối loạn điện giải thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai.
2. Triệu chứng của cơn nghén
Các triệu chứng ốm nghén khi mang thai có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhất là khi có sự kích thích về mùi vị ở các loại thực phẩm như thịt sống, cá sống… bạn dễ có cảm giác buồn nôn và nôn. Khi nôn quá nhiều, cơ thể bạn sẽ bị mất nước. Đồng thời, chính sự nhạy cảm về mùi vị thức ăn nên bạn không thấy ngon miệng, thậm chí chán ăn.
Mẹ bầu có thể tham khảo cách giảm ốm nghén hiệu quả ở video dưới:
ThS.DS Lê Thị Thu Vân chia sẻ về cách giảm ốm nghén ở mẹ bầu.
Bên cạnh đó, bạn có thể bị hoa mắt, chóng mặt, sút cân do không ăn uống đầy đủ, không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vì vậy, rất dễ nhận thấy sự mệt mỏi, thiếu năng lượng, không thể tập trung vào công việc ở những người bị nghén bầu.
3. Nguyên nhân gây ốm nghén khi mang thai
Hiện nay nguyên nhân dẫn đến tình trạng ốm nghén khi mang thai vẫn chưa được làm rõ. Một số nghiên cứu cho rằng, thai phụ bị nghén do sự thay đổi nội tiết tố ở tuyến sinh dục khi mang thai, cụ thể là Progesteron và HCG. Cơ thể thai phụ sẽ sản sinh ra một lượng lớn hormone Progesterone gây giãn các cân cơ ở hệ tiêu hóa, khiến lượng thức ăn bên trong dạ dày bị đẩy lên thực quản, gây cảm giác buồn nôn. Thêm vào đó, hormone này còn làm chậm khả năng tiêu hóa dẫn đến chứng khó tiêu.
Một vài nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng nghén khi mang thai gồm:
Thói quen ăn uống thất thường.
Hệ thần kinh của thai phụ nhạy cảm với các loại thực phẩm có mùi vị.
Di truyền: Thường gặp ở những thai phụ có mẹ bị ốm nghén khi mang thai.
Thai phụ bị nghén có thể do sự thay đổi nội tiết tố ở tuyến sinh dục khi mang thai
Tuy nhiên, không phải tất cả thai phụ đều sẽ gặp phải các triệu chứng này. Một số thai phụ có khả năng cao bị nghén như:
Mang thai lần đầu;
Từng có tiền sử nghén nặng ở những lần mang thai trước;
Người quá gầy.
Mang song thai hoặc mang đa thai;
Mắc bệnh nguyên bào nuôi, do sự gia tăng của tế bào bên trong tử cung.
4. Ốm nghén có tốt không? Có ảnh hưởng thai nhi không?
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng nghén bầu là một dấu hiệu tích cực cho thấy thai phụ đang trải qua một thai kỳ khỏe mạnh. Nghén không ảnh hưởng đến thai nhi, ngược lại, đây là dấu hiệu cho thấy thai nhi đang phát triển tốt.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Stefanie N.Hinkle năm 2016 cho thấy, thai phụ bị nghén có tỷ lệ sảy thai thấp hơn khoảng 50 – 70% so với những thai phụ không bị nghén. Nghiên cứu này tiến hành đánh giá các triệu chứng ở những tuần đầu tiên của thai kỳ, ngay sau khi các dấu hiệu mang thai
sớm xuất hiện, khẳng định có sự liên hệ mật thiết giữa buồn nôn, nôn ói với nguy cơ sảy thai thấp ở thai phụ.
Nghén bầu là một dấu hiệu tích cực cho thấy thai phụ đang trải qua một thai kỳ khỏe mạnh
Tuy nhiên, tình trạng ốm nghén chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định. Khi các triệu chứng nôn ói kéo dài, không được kiểm soát có thể khiến thai phụ sụt cân, mất cân bằng điện giải, mất nước trầm trọng… Khi đó, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của sản phụ dễ đưa đến trầm cảm thai kỳ, sức khỏe thai nhi bị đe dọa nghiêm trọng. Do đó, khuyến cáo thai phụ nên đến cơ sở y tế ngay lập tức khi xuất hiện các triệu chứng sau:
Tim đập nhanh;
Sốt cao không hạ;
Sụt 1 – 2kg trong khoảng thời gian ngắn;
Buồn nôn, nôn ói liên tục, không ăn uống được;
Choáng váng, ngất xỉu;
Tiểu lắt nhắt, nước tiểu có màu sẫm;
Đau đầu, đau bụng;
Xuất huyết âm đạo;
Nôn ra máu.
5. Kiểm soát cơn nghén bầu
Tùy theo mức độ nghén nhẹ hay nặng mà chúng ta có thể kiểm soát cơn nghén điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống hay điều trị thuốc thích hợp (nếu cần) sẽ giúp cải thiện tình trạng này, để thai phụ tiếp tục cuộc sống thường ngày một cách thoải mái, không ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc.
5.1. Thay đổi chế độ ăn uống
Những việc nên làm
Cần chia nhỏ bữa ăn hằng ngày khoảng 5-6 bữa ăn/ngày và không nên ăn quá no.
Sau các bữa ăn bạn có thể ngậm ít kẹo gừng, vị gừng sẽ làm bạn dễ chịu hơn.
Hạn chế thức ăn có mùi.
Uống vitamin tổng hợp ( không có sắt ).
Uống đủ nước ( 2-3 lít / ngày ): nước chanh, nước hoa quả sẽ làm bạn dễ chịu hơn. Tuy nhiên nếu dẫn còn khó chịu bạn có thể ngậm ít đá viên.
Nên ăn ít bánh quy hoặc các loại hạt trước khi ra khỏi giường hoặc trước đánh răng để tránh dạ dày rỗng.
Bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt bò, trứng, rau củ có màu xanh đậm, táo, chuối, bánh mì nướng….; thực phẩm giàu vitamin C để chống nôn.
Những việc không nên
Bạn không nên để bụng đói.
Tránh các thức ăn cay, nhiều chất béo, rượu bia, cà phê… khiến tình trạng nghén trở nên trầm trọng. Không nằm ngay sau khi ăn.
Không nằm ngay sau khi ăn.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp giảm tình trạng ốm nghén
5.2. Giải tỏa tâm lý
Tinh thần thoải mái là điều rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Do đó, bạn cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, làm những việc mình thích, tránh căng thẳng, lo lắng. Trong trường hợp nghén nặng khiến bạn mệt mỏi, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn chăm sóc thai kỳ tốt nhất.
5.3. Tập luyện hợp lý
Bên cạnh chế độ ăn uống khoa học, tâm lý thoải mái thì tập luyện thể dục thể thao hợp lý là bí quyết giúp thai phụ giảm nghén hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy, tập luyện nhẹ nhàng vừa giúp tăng cường sức khỏe ở thai phụ, vừa giảm các triệu chứng ốm nghén. Do đó, bạn nên lựa chọn các bài tập như tập hít thở, đi bộ, bơi lội, yoga để thư giãn, cải thiện tâm trạng, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
5.4. Thuốc hỗ trợ cải thiện ốm nghén
Tình trạng buồn nôn và nôn nghiêm trọng có thể khiến bạn sụt cân, mất nước và rối loạn điện giải, có thể phải nhập viện. Lúc này, bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng một số loại thuốc để giảm tình trạng nghén như:
Pyridoxin (B6): Điều trị đầu tay, có thể kết hợp với thành phần khác như Doxylamine.
Metoclopramide: Được phân loại trong thai kỳ ở mức độ A, thường được dùng chống nôn trong thai kỳ.
“Các loại thuốc sử dụng để điều trị tình trạng nghén không gây ảnh hưởng thai nhi cũng như sức khỏe thai phụ. Tuy nhiên, thai phụ chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, cũng như tuân thủ đúng liều lượng thuốc được kê đơn”, bác sĩ Hồ Thị Khánh Quyên khuyến cáo.
0 Nhận xét